Tuesday, October 9, 2012

Cây chuối của Nguyễn Trãi là một văn bản đa nghĩa, em hãy trình bày cách hiểu của em về bài thơ này

Bài làm:


Có người ví von rằng thơ cổ như những bông hoa khép cánh, ủ hương mà tùy trình độ và quan điểm của người, bông hoa ấy sẽ mở ra những vẻ đẹp, hương sắc khác nhau.

Bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi.

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín.
Gió nơi đâu gượng mở xem.


Có những từ, ý ta có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Việc phân tích bài thơ sẽ phần nào giúp ta phát triển một cách hiệu hợp lý, thuận tình nhất.

Trước hết, ta hãy tìm hiểu sơ lược về tiểu sử tác giả. Ông là nhà quân sự đại tài, từng giúp Lê Lợi trong suốt mười năm kháng chiến gian khổ chống quân Minh xâm lược. Hòa bình, ông tiếp tục phục vụ cho đất nước. Nhưng trước cảnh ngộ đau lòng của triều chính. vua chỉ biết nghe lời bọn nịnh thần mà nghi kỵ những người đã hết lòng giúp đỡ mình trong cuộc kháng chiến, quan lại lộng hành tranh giành quyền lợi, chém giết lẫn nhau...ông đã cáo quan về ở ẩn, sống cuộc đời thanh bạch giữa thiên nhiên.

Nguyễn Trãi là tác giả của nhiều thơ văn xứng đáng là những sáng " thiên cổ hùng văn" của dân tộc. Bên cạnh đó, tiếng thơ của ông còn chan chứa tình yêu bất tận đối với thiên nhiên, tâm sự gắn bó và thể hiện mối đồng cảm giữa cái vũ trụ vi mô trong tâm hồn nhà thơ với cái vũ tru vĩ mô của đất trời. Bài thơ Cây chuối thuộc vào chiều hướng sáng tác thứ hai.

Theo tinh thần bài thơ, người ta có thể phỏng đoán rằng Nguyễn Trãi sáng tác bài thơ này lúc về ở ẩn, khi ngắm một cây chuối đang trổ buồng vào một đêm cuối xuân đẹp trời. Bài thơ phác họa lại những gì thi sĩ đã trông thấy, cảm thấy.

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.


Cây chuối trong bài thơ này ắt hẳn ra hoa vào độ khai xuân, đến nay " bén hơi xuân" nên càng thêm tươi tốt, bắp chuối ngày một to ra. Giữa cái bắp chuối tròn trĩnh, ngộ nghĩnh màu tím đó ấy bật ra những nải chuối con xinh xắn. Chúng thon dài rồi lớn dần lên, tỏa mùi ( màu) suốt đêm...Hương chuối ấy với hương thơm của đất trởi, làm dâng lên trong lòng tác giả một niềm tin yêu vào cuộc sống mỗi ngày một sinh sôi, nảy nở.

Ông chợt nhìn lên ngọn cây. Một đọt chuối non run run trong cơn gió nhẹ, vẫn còn tự cuộn tròn lại. Đến khi cái nõn đủ độ lớn, chỉ cần một cơn gió thổi qua là sẽ xòe rộng ra, thực sự bắt đầu cuộc đời của một chiếc lá. Với tâm hồn nghệ sĩ thiên nhiên qua lăng kính yêu đời. Nguyễn Trãi tưởng tượng rằng hình ảnh chiếc lá non cuộn tròn các văn bản cần gửi đi, ngoài cột sợi lụa hay phong bằng sáp ong. Một cuộn thư như thế dễ khiến người ta liên tưởng đến khi ngắm nõn chuối kia. chỉ khác là chiếc lá non không có sợi lụa cột ngang thân. Nhưng ai dám chắc rằng không có sợi tơ trời nào đó đang giữ chiếc lá khỏi bị mở ra? Nhà thơ Nguyễn Trãi ngắm chiếc nõn đã gần đến lúc mở ra và khe khẽ gọi. " Gió nơi đâu? Gượng mở xem!" Cảnh tượng chiếc lá sẽ từ từ mở ra trong khí xuân tươi tốt, gợi trong lòng nhà thơ niềm thích thú tựa như đang run rung giở xem bức thư tình.

Có thể nói rằng bài thơ tả thiên nhiên này hoàn toàn thành công. Chỉ bằng vài nét phát họa, nhà thơ đã gợi lên bức tranh hoàn hảo mà bình dị làm cho tâm hồn người đọc cũng lâng lâng cái cảm giác dịu dàng như đang sống giữa thiên nhiên vào một thời điểm tuyệt vời với cảnh trí thơ mộng đến như vậy.

Nhưng bài thơ không chỉ đơn thuần là bài ca yêu đời, yêu thiên nhiên của thi sĩ. Lồng vào trong từng chữ, từng ý là cuộc đời của nhà thơ, phảng phất quanh hình ảnh " cây chuối".

Ta có thể hiểu qua hai câu thơ đầu hiện lên con người Nguyễn Trãi. Từ khi ông trưởng thành, hấp thụ tình yêu nước, tình yêu dân tộc, lại thừa hưởng ở mẹ cha một trí tuệ hơn người, ông khát khao được sống, được đóng góp, cống hiến cho đất nước... Phải chăng khi tả thực tinh hoa của cây chuối chứa đựng trong cái buồng lạ kia, Nguyễn Trãi đã ẩn dụ với con người mình. Trong trái tim ông ( tức là cái buồng tim ấy) luôn nuôi ngọn lửa bất diệt, ngọn lửa mang tình yêu đất nước. Ngọn lửa ấy lúc nào cũng tỏa sáng, đưa ông đi trên đường giải phóng dân tộc khỏi nạn ngoại xâm tăm tối. Trong đêm đen của hung tàn, tâm hồn ông luôn tỏa sáng, nêu cao tấm gương anh hùng muôn thuở, để tiếng thơm ngàn đời.

Lật lại tiểu sử Nguyễn Trãi ta có thể hiểu thêm về hình tượng "Tình thư một bức phong còn kín" chính là giai đoạn Nguyễn Trãi về ở ẩn. Lúc này " như bức thư phong kín", ông sống khép mình với thế giới xung quanh, đầy rẫy bọn xiểm nịnh. Ông hướng về nội tâm nơi đó âm ỉ ngọn lửa trung hiếu. Ông trở về với cuộc sống quạnh hưu, không hẳn là ông quay lưng lại với cuộc sống sinh động xung quanh mình. Ông luôn tin tưởng một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, ngày đó ông sẽ quay trở lại phục vụ cho đất nước. Và ông chờ, Ông đợi một làn gió mới, trong thâm tâm, ông mong cơn gió ấy chóng đến thổi lên đầy sức trẻ, sức xuân, tình đời mà ông hằng nuôi dưỡng.

Như vậy, theo cách hiểu của em, Nguyễn Trãi sáng tác bài thơ này khi ông cáo quan về ở ẩn. Với tình yêu thiên nhiên vốn có, ông lồng tâm trạng mình vào trong Cây chuối. Đó là đặc điểm chung của thơ cổ " ý tại ngôn ngoại" và " văn hữu dư ba", và cũng chính là điểm thành công đặc sắc của Nguyễn Trãi, người có hoài bão, tâm hồn rất xanh, rất trẻ.

Như trên đã nói, trong bài thơ Cây chuối, có những từ ngữ, những thành ý mà có nhiều cách hiểu của em như đã phân tích ở trên, có thể không phải là cách hiểu hợp lý nhất đối với một số người. Nhưng với em, đây là cách hiểu thuận tình nhất.

Nguyễn Trãi là một trong số các nhà thơ cổ mà em yêu thích nhất. Việc tìm đọc và phân tích thơ văn của ông luôn là niềm say mê của em. Em cảm phục con người tài năng ấy, em càng kính trọng nhân cách thanh cao của ông.

No comments:

Post a Comment